Câu hỏi 1: Độ phủ là gì? Cách xác định lượng sơn và lượng bả cần dùng khi thi công?
Trả lời:
– Độ phủ là số mét vuông mà 1 lít hay 1 kg sơn có thể che phủ được.
Cách xác định lượng sơn (hoặc bả) cần dùng:
– Phải xác định được chính xác diện tích bề mặt cần sơn hoặc bả.
– Kiểm tra độ phủ của loại sản phẩm cần sơn hoặc bả theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Từ đó sẽ tính lượng sơn hoặc bả mà bạn cần sử dụng.
Câu hỏi 2: Bột bả hay bột trét tường là gì?
– Bột bả tường là một sản phẩm vật liệu xây dựng, có thể sử dụng được ngay sau khi trộn với nước.
– Với mục đích xử lý bề mặt nhằm mục đích:
+ Tạo cho bề mặt nhẵn mịn và tăng tính thẩm mỹ khi hoàn thiện.
+ Tăng độ bám dính kết cấu
Các thành phần cơ bản của bột bả tường:
+ Chất kết dính
+ Chất độn
+ Phụ gia
Câu hỏi 3: Các bước xử lý bề mặt tường trước khi thi công bột bả tường?
Công đoạn xử lý bề mặt còn tuỳ thuộc vào loại bề mặt:
Đối với bề mặt mới:
– Bề mặt tường phải đảm bảo được quá trình đông cứng, ít nhất 7 ngày mới bả bột.
– Bề mặt cần làm sạch trước khi bả.
– Dùng bàn chải sắt và bàn sủi chà sạch lớp vôi trên bề mặt.
– Dùng nước hoặc chổi làm sạch bề mặt còn bám bụi sau khi chà.
– Khi bề mặt bị nấm mốc thì phải dùng dung dịch chống mốc để quét lên bề mặt.
Đối với bề mặt đã sơn:
– Nếu bề mặt không bị bong tróc, không bị mềm thì chỉ cần làm sạch bề mặt rồi sơn lại là được.
– Nếu bề mặt bột bị bong tróc, bị bở, bị mềm thì phải dùng bàn sủi để cạo toàn bộ lớp bột cũ.
– Tiến hành làm sạch bề mặt sau khi đã cạo sạch và nên rửa bằng nước sạch.
Câu hỏi 4: Tại sao phải phân biệt bột bả tường trong nhà/ngoài trời? Cách phân biệt bột bả tường trong nhà và ngoài trời?
– Tác động từ thời tiết và khí hậu của nội thất và ngoại thất là khác nhau. Bột bả tường ngoài trời chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ, độ ẩm.
Ngoài ra, nó còn phải chịu tác động trực của ánh nắng mặt trời (lớp sơn nước phủ ngoài không đủ khả năng ngăn hoàn toàn tia cực tím) bột bả tường ngoài trời còn phải chịu tác động của ngoại lực (áp lực của hạt mưa của gió) và nếu lớp sơn phủ không chống thấm thì bột bả tường ngoài trời còn bị ngậm nước khi trời có mưa.
– Các ảnh hưởng trên đối với bột bả tường khi ở trong nhà ít hơn nhiều. Tuy nhiên bột bả tường trong nhà lại có nguy cơ chịu độ ẩm và không khí khá cao.
– Vì những điều trên, nhà sản xuất mới thiết kế 2 loại sản phẩm: bột bả tường ngoại thất và bột bả tường nội thất.
Câu hỏi 5: Cách trộn bột trét tường?
Cách trộn bột bả tường:
– Tỷ lệ trộn bột/nước = 3 hoặc 3.5(theo khối lượng) tức là cần 14-16 kg(lít) nước sạch cho 1 bao bột 40kg.
– Đổ từ từ bột vào nước để tránh vón cục.
– Dùng máy trộn cầm tay hoặc cây khuấy trộn cho thật đều thành hỗn hợp bột nhão đồng nhất.
– Để hỗn hợp trong khoảng 7-10 phút cho các hoá chất trong bột phát huy tác dụng. Sau đó khuấy trộn lại một lần nữa rồi mới tiến hành thi công.
Câu hỏi 6: Dùng nước bị nhiễm phèn để trộn bột bả tường có được không?
Nếu trong nước bị nhiễm phèn nhẹ, có thể dùng pha bột để thi công. Nhưng khi nước bị nhiễm phèn nặng thì không thể sử dụng được. “không dùng nước mặn trộn bột”.
Câu hỏi 7: Thời gian sống (thời gian thi công) của bột bả tường là bao nhiêu lâu?
Thời gian sản phẩm bắt đầu đông kết là từ 2 đến 3 giờ, vì thế khách hàng cần tính toán lượng bột trộn có thể bả trong khoảng thời gian chuẩn bị thi công.
Câu hỏi 8: Có nên trộn thêm xi măng vào bột bả tường không ?
– Không nên trộn thêm xi măng vào vì khi cho ra sản phẩm nhà sản xuất đã nghiên cứu, tính toán các thành phần để sản phẩm có chất lượng đạt yêu cầu.
– Nếu trộn thêm ximăng sẽ dễ gây hiện tượng chai cứng bề mặt và làm bề mặt bị nứt.
Câu hỏi 9: Bột bả có thể bị ố vàng hay không?
Sau khi bả bột thì không bị ố. Trường hợp bột bị ố vàng thì phải kiểm tra bề mặt thật kỹ. Nếu bề mặt chỉ bị ố không bị mềm hoặc bong tróc thì có thể sử dụng sơn chống ố lăn lên trước khi sơn phủ.
Câu hỏi 10: Tại sao không nên bả bột bả tường lên bề mặt quá ẩm hay quá khô?
– Khi bề mặt bị ẩm thì khi thi công bột bả tường sẽ rất lâu khô, nhiều khi không đông kết , ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và tuổi thọ của sản phẩm.
– Trường hợp bề mặt khô quá thì khi thi công bột bả tường sẽ bị mất nước nhanh, và có thể trở lại trạng thái bột rời.
Câu hỏi 11: Bề mặt tường luôn bị ẩm thì có thể thi công bột bả tường được không? Có thể thi công bột bả tường trong điều kiện ẩm ướt hay không?
– Không thi công bột trong điều kiện ẩm ướt.
– Trường hợp tường bị ẩm ta cần phải xác định nguyên nhân gây ẩm để biết cách xử lý.
– Tường có độ ẩm cao do mới tô: Phải để tường khô ít nhất 7 ngày mới được thi công.
– Tường có độ ẩm cao do trời mưa: Để tường khô khoảng 2 đến 3 ngày.
– Tường có độ ẩm cao do bị thấm : Phải chống thấm cho tường trước khi bả bột.
Câu hỏi 12: Tại sao trong 1 số trường hợp, trên bề mặt bột bả đã khô nếu dùng tay xoa bề mặt bụi phấn ra nhiều?
Trường hợp này có thể do 2 nguyên nhân:
+ Trộn không đủ lượng nước yêu cầu hay do tường quá khô, bột bị khô mất nước quá nhanh, hoá chất mất tác dụng không tạo được liên kết làm cho bột bị bở, không đóng rắn.
+ Do sản phẩm thiếu hoá chất
Nguyên nhân là do không cạo ra trét lại thì bắt buộc phải dùng sơn lót gốc dầu để xử lý bề mặt, tạo bề mặt cứng chắc giúp lớp sơn phủ bám tốt.
Câu hỏi 13: Có thể thi công bột bả tường lên bề mặt đá rửa (granito) được không?
Thông thường không nên bả trực tiếp trên bề mặt đá rửa.
Nếu bắt buộc phải thi công thì làm theo công việc sau:
Muốn trét bột lên cần phải xử lý bề mặt thật cẩn thận:
– Dùng bàn chải sắt chà rửa với nước cho thật sạch.
– Dùng dung dịch tẩy Chlorine để chà rửa tường.
– Dùng vữa tô lên bề mặt, đợi khô sau đó bả bột lên .
Câu hỏi 14: Tại sao bề mặt bột bả tường trong một số trường hợp bị nứt chân chim?
Nguyên nhân là do:
– Bột quá cứng, thời gian đông kết nhanh.
– Trét quá dày.
– Kết cấu bề mặt yếu.
– Bị nứt do 2 chấn động: đục tường,rung chấn.
Câu hỏi 14: Khi độ dày của lớp bột trét tường dày quá 3mm thì có hiện tượng gì?
Độ dày của lớp bột bả lơn hơn 3mm có thể xảy ra các sự cố sau:
– Bị bong tróc
– Bị nứt
Câu hỏi 15: Tại sao trong một số trường hợp lớp bột bả bong ra khỏi bề mặt tường cùng với sơn?
Hiện tượng này là có thể là do thi công hoặc do chất lượng bột:
– Khi thi công bề mặt bột không được chuẩn bị tốt.
– Thi công quá dày.
– Sản phẩm thiếu chất kết dính.